top of page

Estrogen và làn da: Sự thật đằng sau lời hứa "cải lão hoàn đồng"

Hầu hết phụ nữ trước Tiền mãn kinh không cần bổ sung Estrogen!


Thông qua một số ca tư vấn, Vy chợt giật mình, đôi lúc muốn trách cứ nhưng cũng thấu hiểu tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của một số Người thương khi gặp phải các vấn đề về da, thậm chí da cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng – chỉ là kỳ vọng nó đẹp hơn nữa mà thôi. Trong vô vàn phương cách mà mọi người có thể thấy nhan nhãn khi lướt mạng xã hội, xem TikTok,… thì có một phương pháp chưa chắc đã có hiệu quả, lại còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ: BỔ SUNG NỘI TIẾT TỐ ESTROGEN. Nó có thể là sản phẩm điều trị cần kê đơn, hay đơn giản là thực phẩm chức năng như sâm tố nữ, mầm đậu nành, dầu anh thảo,…

Estrogen: "Liều thuốc tiên" hay "con dao hai lưỡi"?


Chẳng phải tự nhiên mà estrogen được gắn với những lời có cánh như "chìa khóa trẻ hóa làn da". Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng estrogen có khả năng kích thích sản xuất collagen và elastin, hai "viên gạch" quan trọng giúp da săn chắc và đàn hồi. Đồng thời, estrogen cũng giúp da giữ ẩm tốt hơn, từ đó giảm nếp nhăn và mang lại vẻ căng bóng, mịn màng. Chưa hết, estrogen còn là một "chiến binh" chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do, kẻ thù số một gây lão hóa da. Thậm chí, estrogen còn có thể hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương. [1, 2, 3, 4]


Thậm chí có nhiều người có niềm tin từ những quan sát thực tế về sự thay đổi của làn da phụ nữ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, đặc biệt là thời kỳ mãn kinh khi nồng độ estrogen giảm mạnh, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa da như khô da, giảm độ đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn.


Nghe thật tuyệt vời nhỉ? Nhưng trước khi bạn vội vàng tìm đến các sản phẩm bổ sung estrogen, hoặc có thể là đã/đang sử dụng luôn rồi, thì hãy cùng M' tìm hiểu kỹ hơn về những mặt trái tiềm ẩn của "liều thuốc tiên" này xem thế nào.


 

Hiệu quả thực sự và rủi ro tiềm ẩn


Đầu tiên, để nói về hiệu quả, những lợi ích cho da mà estrogen mang lại thường được nghiên cứu trên phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh trở đi (vì đây là đối tượng thiếu hụt estrogen), chứ hầu như không được nghiên cứu trên phụ nữ trẻ. Có nghĩa là: việc bổ sung estrogen sẽ giúp những làn da lão hoá do thiếu hụt estrogen trở lại vẻ ngoài trẻ trung hơn – Còn nếu da bạn vốn đang là làn da trẻ trung, trong một cơ thể cân bằng nội tiết ở độ tuổi sinh sản, thì việc bổ sung này vô nghĩa. Vậy đấy, nghĩa là một nửa của sự thật không phải là sự thật!


Cơ thể chúng ta là một bộ máy sinh học quá hoàn hảo với hàng tỷ tế bào phối hợp hoạt động trơn tru. Vậy nên khi chúng ta tạo nên một bất thường nào đó ở bất kỳ bánh răng nào, nó đều sẽ gây ra vấn đề.


Dù mang lợi ích cho làn da trong một số trường hợp nhất định, việc tự ý bổ sung estrogen vượt nhu cầu của cơ thể, dù là qua thuốc kê đơn hay thực phẩm chức năng, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Trong trường hợp này, việc gia tăng hàm lượng estrogen nếu nhẹ nhàng thì có thể gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ huyết khối, đau đầu, buồn nôn, tăng cân và nám da [5, 6, 7, 8]. Nặng nề hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc lạm dụng estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng [9, 10, 11, 12, 13]. Bởi khi nồng độ estrogen tăng cao và kéo dài, nó có thể kích thích sự tăng sinh quá mức của các tế bào trong các cơ quan sinh sản của nữ, làm tăng nguy cơ đột biến gen và hình thành khối u ác tính, cũng như lành tính (u xơ tử cung).


ẢNH: medhyaherbals (Các dấu hiệu thừa estrogen)


Đây không phải là lời cảnh báo suông, Vy đã trao đổi về chủ đề này với nhiều bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm phụ sản, các bác đã kể rằng thực tế lâm sàng đã gặp các ca xuất hiện khối u (cả lành tính lẫn ác tính) ở buồng trứng với tiền sử là lạm dụng estrogen, và cũng có những người có cơ địa sản xuất nhiều estrogen hơn bình thường ở trong độ tuổi sinh sản.
 


Có nên bổ sung estrogen hay không?


Nhiều người uống các viên bổ sung/kích thích tăng estrogen và da đẹp lên trông thấy. Đúng vậy, nhưng chỉ trong trường hợp cơ thể thiếu estrogen mà thôi, lúc này việc bổ sung là hợp lý. Trường hợp này thường là phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh trở đi (khi mà nồng độ estrogen giảm đáng kể).


Còn nếu thừa thì có thể một xác suất nào đó vẫn giúp cải thiện da một phần về căng mịn, giảm nếp nhăn, tăng độ ẩm (dù khá ít nghiên cứu chứng minh) nhưng đi đôi với nó là các rủi ro đã nêu, như có thể gây nám da (kích thích sản xuất melanin), da nhạy cảm hơn, rụng tóc (làm gián đoạn chu kỳ tăng trưởng) và thậm chí là u xơ, ung thư. Và M' cho rằng nó không đáng để đánh đổi như vậy, còn rất nhiều biện pháp an toàn hơn để cải thiện tình trạng da.


Vậy ở cương vị là một người bình thường, bạn có biết bản thân mình thừa hay thiếu estrogen không? Dĩ nhiên là KHÔNG rồi, mặc dù có một số dấu hiệu nhưng nó hoàn toàn có thể gây ra bởi các yếu tố khác, không liên quan đến estrogen. Để xác định có cần bổ sung estrogen hay không, bổ sung bằng phương pháp nào, trong thời gian bao lâu đều cần sự thăm khám và kết luận của bác sĩ chuyên khoa.


Nếu đã lỡ dùng một thời gian?


Nếu bạn đã tự ý sử dụng sản phẩm estrogen một thời gian rồi thì sao? Việc đầu tiên chính là tạm ngưng sử dụng, sau đó tiến hành thăm khám để biết điều đó có cần thiết không, đã có hậu quả gì chưa để có các biện pháp khắc phục.


Còn trong trường hợp cơ địa của bạn vốn dĩ sản xuất estrogen nhiều hơn cần thiết, hoặc ở độ tuổi sinh sản, thậm chí đã phát hiện u xơ tử cung. Thì tốt nhất nên tránh làm gia tăng estrogen quá nhiều.



Thuốc tránh thai và u xơ tử cung: Mối liên hệ phức tạp

Vì sao nồng độ estrogen cao thì tăng nguy cơ u xơ tử cung, mà một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung biện pháp tránh thai chứa nội tiết tố (có chứa estrogen) lại giảm nguy cơ này xuống?


Trường hợp này chúng ta cần xem xét 2 khía cạnh:


- Estrogen và sự phát triển của u xơ tử cung: U xơ tử cung là khối u lành tính phát triển từ các tế bào cơ trơn của tử cung. Estrogen được xem là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của u xơ. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể cao, các tế bào u xơ sẽ tăng sinh và phát triển nhanh hơn. Đây là lý do tại sao u xơ thường xuất hiện và phát triển mạnh trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ - khi nồng độ estrogen cao nhất, và có xu hướng teo nhỏ hoặc biến mất sau mãn kinh - khi nồng độ estrogen giảm xuống.


- Tác dụng của thuốc tránh thai/que tránh thai kết hợp lên u xơ tử cung: Mặc dù thuốc tránh thai kết hợp chứa estrogen, nhưng chúng lại có tác dụng ngược lại, giúp giảm nguy cơ hình thành và phát triển u xơ tử cung. Điều này có thể được giải thích bởi hai cơ chế chính:


o Ức chế rụng trứng: Thuốc tránh thai kết hợp ức chế quá trình rụng trứng, làm giảm nồng độ estrogen tổng thể trong cơ thể. Mặc dù thuốc có bổ sung estrogen, nhưng lượng estrogen này được kiểm soát và không đủ để kích thích sự phát triển của u xơ.


o Tác động của progestin: Progestin là một thành phần quan trọng trong thuốc tránh thai kết hợp. Progestin có tác dụng đối kháng với estrogen, làm giảm tác động kích thích tăng trưởng của estrogen lên tế bào u xơ. Ngoài ra, progestin còn có thể tác động trực tiếp lên tế bào u xơ, ức chế sự tăng sinh và kích thích quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis).



Lời kết


Estrogen có thể là một "trợ thủ" đắc lực trong việc chăm sóc làn da ở một số thời điểm nhất định trong cuộc đời, nhưng việc sử dụng nó cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ. Hãy yêu thương và lắng nghe cơ thể mình, lựa chọn những phương pháp làm đẹp an toàn và bền vững để có một làn da khỏe đẹp từ trong ra ngoài.


Tài liệu tham khảo:

[1] Shah MG, Maibach HI. Estrogen and skin. An overview. Am J Clin Dermatol. 2001;2(3):143-50. doi: 10.2165/00128071-200102030-00003. PMID: 11705091.

[2] Thornton MJ. Estrogens and aging skin. Dermatoendocrinol. 2013 Apr 1;5(2):264-70. doi: 10.4161/derm.23872. PMID: 24194966; PMCID: PMC3772914.

[3] Horng HC, Chang WH, Yeh CC, Huang BS, Chang CP, Chen YJ, Tsui KH, Wang PH. Estrogen Effects on Wound Healing. Int J Mol Sci. 2017 Nov 3;18(11):2325. doi: 10.3390/ijms18112325. PMID: 29099810; PMCID: PMC5713294.

[4] Stevenson S, Thornton J. Effect of estrogens on skin aging and the potential role of SERMs. Clin Interv Aging. 2007;2(3):283-97. doi: 10.2147/cia.s798. PMID: 18044179; PMCID: PMC2685269.

[5] Abou-Ismail MY, Citla Sridhar D, Nayak L. Estrogen and thrombosis: A bench to bedside review. Thromb Res. 2020 Aug;192:40-51. doi: 10.1016/j.thromres.2020.05.008. Epub 2020 May 11. PMID: 32450447; PMCID: PMC7341440.

[6] Salvaggio HL, Zaenglein AL. Examining the use of oral contraceptives in the management of acne. Int J Womens Health. 2010 Aug 9;2:69-76. doi: 10.2147/ijwh.s5915. PMID: 21072299; PMCID: PMC2971728.

[7] Requena C, Llombart B. Oral Contraceptives in Dermatology. Actas Dermosifiliogr (Engl Ed). 2020 May;111(5):351-356. doi: 10.1016/j.adengl.2019.06.008.

[8] Kwas K, Nowakowska A, Fornalczyk A, Krzycka M, Nowak A, Wilczyński J, Szubert M. Impact of Contraception on Uterine Fibroids. Medicina (Kaunas). 2021 Jul 16;57(7):717. doi: 10.3390/medicina57070717. PMID: 34356998; PMCID: PMC8303102.

[9] Al-Shami K, Awadi S, Khamees A, Alsheikh AM, Al-Sharif S, Ala' Bereshy R, Al-Eitan SF, Banikhaled SH, Al-Qudimat AR, Al-Zoubi RM, Al Zoubi MS. Estrogens and the risk of breast cancer: A narrative review of literature. Heliyon. 2023 Sep 17;9(9):e20224. doi: 10.1016/j.heliyon.2023.e20224. PMID: 37809638; PMCID: PMC10559995.

[10] Rodriguez AC, Blanchard Z, Maurer KA, Gertz J. Estrogen Signaling in Endometrial Cancer: a Key Oncogenic Pathway with Several Open Questions. Horm Cancer. 2019 Jun;10(2-3):51-63. doi: 10.1007/s12672-019-0358-9. Epub 2019 Feb 2. PMID: 30712080; PMCID: PMC6542701.

[11] Yang B, Chen R, Liang X, Shi J, Wu X, Zhang Z, Chen X. Estrogen Enhances Endometrial Cancer Cells Proliferation by Upregulation of Prohibitin. J Cancer. 2019 Mar 3;10(7):1616-1621. doi: 10.7150/jca.28218. PMID: 31205517; PMCID: PMC6548001.

[12] Kozieł MJ, Piastowska-Ciesielska AW. Estrogens, Estrogen Receptors and Tumor Microenvironment in Ovarian Cancer. Int J Mol Sci. 2023 Sep 15;24(19):14673. doi: 10.3390/ijms241914673.

[13] Ho SM. Estrogen, progesterone and epithelial ovarian cancer. Reprod Biol Endocrinol. 2003 Oct 7;1:73. doi: 10.1186/1477-7827-1-73. PMID: 14577831; PMCID: PMC239900.

Comments


About Us 

 

Chúng mình nghiên cứu những sản phẩm tại Việt Nam, dành cho làn da người Việt Nam, bằng những nghiên cứu, công nghệ trên khắp thế giới dựa trên nguyên tắc hiệu quả - an toàn - bền vững.

Follow Us

 

  • Facebook
  • Youtube
  • TikTok
Vietnam50_2x.png

Join our mailing list

Thanks for submitting!

Proudly developed and made in Viet Nam

© 2023 by M'Lalin. Powered and secured by M'Lalin

bottom of page