top of page

Câu chuyện tìm kiếm chất hoạt động bề mặt cho các sản phẩm tẩy rửa tại M’lalin

Đã cập nhật: 23 thg 5

Vì sao sử dụng sản phẩm của M’lalin lâu năm thường không cần quan tâm đến việc cân bằng pH cho da sau khi rửa mặt nữa.


Khách hàng sử dụng sản phẩm của M’lalin lâu năm thường không cần quan tâm đến việc cân bằng pH cho da sau khi rửa mặt nữa (bước toner lúc này trở thành bước có thể lược bớt hoặc cấp nước cho tế bào), các làn da bóng dầu bỗng ít tiết dầu hơn, da khô cũng bớt nổi mụn và dễ được làm ẩm hơn, từ da rất dầu hoặc rất khô có thể chuyển sang dạng da thường ít có vấn đề với nhạy cảm mà chúng tôi thường động viên mọi người hãy kiên trì để thấy được sự cân bằng này… và thật ngạc nhiên là, hiệu quả cân bằng như thế không thực sự chỉ đến từ các sản phẩm dưỡng của M'. (M'lalin không chia sản phẩm ra các dòng chuyên cho từng loại da, đây là sự khác biệt chuyên môn đầu tiên giữa M’ và các dòng sản phẩm khác, Đối với hệ sản phẩm dưỡng hiện tại, triết lý của chúng tôi là – sự phù hợp không đến từ loại da của bạn, mà đến từ việc các sản phẩm dưỡng có những dưỡng chất phù hợp nhất với bạn).



Nhắc đến mỹ phẩm thì hình ảnh đầu tiên chúng ta nghĩ đến chính là những hũ kem dưỡng mịn như bông hoặc dòng ampoule sóng sánh. Nhưng thực sự để các sản phẩm này phát huy công dụng, bàn đến mỹ phẩm nên bàn tới bước làm sạch và các sản phẩm tẩy rửa trước – một dòng sản phẩm không hề đắt tiền nhưng vai trò lại cực kỳ quan trọng - nếu làn da đã không sạch sẽ thì những bước dưỡng sau sẽ gần như trở nên vô nghĩa, thậm chí là gây hại.


Cũng chính vì lý do đó mà M’ luôn quan tâm và cẩn trọng cực kỳ trong các nghiên cứu làm sạch kể cả cho da mặt, body hay tóc. Để sau khi làm sạch, chúng ta sẽ có một làn da sạch sẽ nhưng không bị kích ứng hay khô căng, mà được cân bằng và sẵn sàng đón nhận những dưỡng chất quý giá, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của toàn bộ routine. Nếu để ý, những khách hàng lâu năm đều sẽ nhận ra làn da của mình trở nên cân bằng hơn, ít đổ dầu, ít lên mụn sau khi trải qua hệ sản phẩm làm sạch từ M’.


  1. CHẤT HOẠT ĐỘNG BỀ MẶT – SURFACTANT

Nói về các sản phẩm tẩy rửa nói chung thì đầu tiên không thể không nhắc đến khả năng làm sạch – chức năng chính của chúng. Và thành phần nào quyết định khả năng này? Chính là nhóm chất hoạt động bề mặt (Surface active agent – Surfactant).


Nôm na thì đây là một chất có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt giữa hai chất (có thể là lỏng – lỏng, lỏng – rắn,…) với đặc trưng cấu tạo là một đầu ưa nước và một đuôi kỵ nước. Nó có nghĩa là khi ta sử dụng các sản phẩm tẩy rửa, đầu ưa nước sẽ bám vào phân tử nước và đuôi kỵ nước sẽ bám vào các chất bẩn gốc dầu và bã nhờn,… Sau đó, chúng ta dùng nước sạch rửa trôi đi toàn bộ hỗn hợp này, trả lại một bề mặt da sạch sẽ. Cấu trúc này giống y hệt như các chất nhũ hoá (emulsifier), tuy nhiên các chất hoạt động bề mặt thì có khả năng tạo bọt tốt, thiên hướng tác dụng làm sạch tốt hơn.



  1. CÁC NHÓM SURFACTANT

Vậy thì câu hỏi ở đây đặt ra là liệu các chất hoạt động bề mặt trên thị trường có giống nhau không? Chắc chắn là không rồi, xét đến phân nhóm thì surfactant được chia làm 4 nhóm: mang điện tích âm (anionic), mang điện tích dương (cationic), lưỡng tính (amphoteric) và không tích điện (nonionic). Mỗi nhóm chất hoạt động bề mặt đều có những đặc tính khác nhau, mang lại những điểm mạnh và yếu đối với hoạt động tẩy rửa.



Ví dụ như nhóm anionic surfactant rất mạnh trong việc loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn với khả năng tạo bọt tuyệt vời. Tuy nhiên việc tẩy rửa chất bẩn quá mạnh thì đôi khi cũng ảnh hưởng đến da, đặc biệt là các làn da nhạy cảm, thậm chí nó có thể ảnh hưởng, làm hư hại hàng rào bảo vệ da, loại bỏ sạch sẽ cả các chất dưỡng ẩm tự nhiên trên da. Một số làn da có thể nhận thấy sự kích ứng ngay, một số thì bị thiếu ẩm lâu ngày, khiến da sinh nhiều chất nhờn bổ sung – cũng là một nguyên nhận khiến da dầu và mụn. Đại diện tiêu biểu, nổi tiếng, phổ biến nhất của nhóm này chính là SLS (Sodium Lauryl Sulfate), SLES (Sodium Laureth Sulfate) và xà phòng. Những chất này xuất hiện phải tầm 90% các sản phẩm trên kệ hàng các siêu thị, cửa hàng phổ thông. Điểm nổi bật là cực mạnh và cực rẻ. Và đương nhiên, đi kèm là tình trạng khô da, khô tóc và dễ kích ứng. Hiển nhiên đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp sản xuất lớn với ty tỷ chi phí phải trả cũng như giá bán phải rẻ, thói quen muốn sản phẩm nhiều bọt của người tiêu dùng thì Vy cũng không tìm ra một giải pháp nào khả dĩ hơn.


Thực ra nhóm này cũng còn nhiều loại surfactant nhẹ dịu hơn, nguồn gốc tự nhiên như Sodium Cocoyl Glutamate, Sodium Lauroyl Sarcosinate, Sodium cocoyl isethionate, sodium methyl cocoyl taurate, amino acid của yến mạch, táo,… đi kèm với giá thành đắt đỏ hơn. Ngoài ra, một trong những nhược điểm chính của nhóm surfactant mang điện tích âm này đến từ điện tích của nó – điện tích âm khiến nó nhạy cảm với nước cứng (chứa nhiều ion Calcium và magnesium) cũng như gây ra sự gia tăng điện tích âm trên bề mặt tóc, làm tăng khả năng rối, tăng ma sát gây tổn thương sợi tóc.


Ngược lại với nhóm anionic, trong mỹ phẩm thì nhóm cationic surfactant ít khi được dùng trong các sản phẩm làm sạch mà thường được tận dụng điện tích âm để trung hoà điện tích âm của sợi tóc sau khi gội. Các chất hoạt động bề mặt cationic thường là các chất gốc bromide và chloride. Ứng dụng phổ biến nhất của nhóm surfactant này là vào trong các loại dầu xả tóc.


Structure of cationic surfactants


Nhóm thứ ba là các chất hoạt động bề mặt lưỡng tính amphoteric. Điện tích của nhóm này phụ thuộc vào độ pH của dung dịch, hoạt động như một anionic trong dung dịch kiềm hoặc cationic trong dung dịch acid. Đặc điểm của nhóm này là rất nhẹ và có đặc tính da liễu tuyệt vời, tuy nhiên lượng bọt tạo ra lại khá ít nếu sử dụng một mình. Có 2 nhóm surfactant lưỡng tính chính là alkyl iminopropionates và betaines, ví dụ như: cocoamidpropyl betaine, sodium cocoamphoacetate,…


Amphoteric surfactant charge dependence on solution pH.


Nhóm cuối cùng chính là các chất hoạt động bề mặt không mang điện tích non-ionic. Với đặc trưng không mang điện tích thì nhóm này hoàn toàn không ảnh hưởng bởi độ cứng của nước hay phụ thuộc độ pH cũng như dễ dàng kết hợp với các nhóm chất hoạt động bề mặt khác. Tuy nhiên, hiệu quả làm sạch, khả năng tạo bọt lại thường không tốt bằng nhóm anionic dù nó nhẹ dịu hơn, lành tính hơn. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các chất hoạt động bề mặt anionic dễ gây kích ứng nhất, rồi đến lưỡng tính và cuối cùng là non-anionic. Đại diện “huyền thoại” trong làng tẩy rửa thiên nhiên là nhóm glucoside như coco glucoside, decyl glucoside, lauryl glucoside, caprylyl/capryl glucoside,… thường đạt chuẩn EcoCert, COSMOS, Natrue (phụ thuộc vào nhà sản xuất).



 

KHẢ NĂNG TẠO BỌT MẠNH CÓ ĐỒNG NGHĨA VỚI KÍCH ỨNG?

Một vấn đề mà nhiều người hay nhầm lẫn, đó chính là sản phẩm tạo bọt nhiều thì chứng tỏ surfactant mạnh, dễ kích ứng, còn các sản phẩm thiên nhiên thì ít bọt, thậm chí không có. Điều này thực sự không quá sai, nhưng đúng thì ko đúng. Người ta hay bị định kiến như thế bởi 2 loại surfactant phổ thông nhất, cũng thường gây kích ứng nhất là SLS và SLES tạo bọt rất rất nhiều; còn các loại surfactant nguồn gốc thiên nhiên thì tạo bọt ít. Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển, hiện nay có đã có những loại surfactant thiên nhiên nhưng tạo bọt cũng khá tốt, cho cảm giác sử dụng chỉ kém surfactant tổng hợp một chút thôi.


Thông thường, các nhà sản xuất mỹ phẩm (kể cả công nghiệp hay thiên nhiên) đều ít khi sử dụng chỉ một loại surfactant trong công thức, họ sẽ kết hợp nhiều loại với nhau để tạo hiệu quả tốt nhất như anionic + non-anionic, anionic + amphoteric, non-ionic + amphoteric,… Và đây chính là sân chơi của các formulator khi phải cân đối giữa hiệu quả làm sạch, rủi ro kích ứng, khả năng tạo bọt, đặc tính da liễu, triết lý theo đuổi (hoá chất tổng hợp hay thuần thiên nhiên,…) và đặc biệt là cân đối chi phí.

 

SỰ LỰA CHỌN CỦA M'LALIN

Vậy thì, ở giữa thị trường với hàng ngàn chất hoạt động bề mặt, từ đó sinh ra hàng chục ngàn kết hợp, M'lalin đưa ra sự lựa chọn như thế nào? Đó là một hành trình rất dài với hàng chục giờ nghiên cứu tài liệu, hàng trăm mẫu thử được sản xuất nhằm tìm ra được kết quả PHÙ HỢP VÀ ĐÁP ỨNG được các tiêu chuẩn sau (Mà chưa từng có thể thu hồi vốn):

- Thứ nhất, phải làm sạch tốt. Rõ ràng một sản phẩm làm sạch mà không thể giúp làn da của bạn sạch sẽ thì còn ý nghĩa gì? Đúng không nào.

- Phải có nguồn gốc thiên nhiên. Như định hướng cũng như triết lý của M’Lalin từ ngày thành lập đến giờ, tất cả các sản phẩm của M’ đều sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, hoặc nguồn gốc thiên nhiên – sử dụng chính những gì xung quanh ta để giữ gìn/thanh lọc cơ thể ta.

- Nhẹ dịu với da, kể cả làn da nhạy cảm, không phá huỷ các protein của da. Bởi trên lớp ngoài cùng của da chúng ta còn có những protein, microbiome, chất béo như cholesterol,… nhằm bảo vệ và cung cấp độ ẩm. Và các chất béo này cũng bị kéo đi bởi các chất hoạt động bề mặt mạnh, điều đó cũng khiến cho làn da chúng ta bị tổn thương.

- Làm sạch nhưng vẫn giữ được NMF (các yếu tố giữ ẩm tự nhiên) của da, sau khi rửa cảm giác ẩm chứ không phải khô căng.

- Có khả năng tạo bọt ổn đặc biệt là sản phẩm dành cho body và tóc. Chúng ta thật sự không cần khả năng tạo bọt mịt mù như các chất hoạt động bề mặt tổng hợp, nhưng ít ra vẫn cho cảm giác dễ chịu khi tắm rửa, gội đầu cũng như không gây tâm lý quá hao tốn sản phẩm.

- Quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nguồn nguyên liệu được tái tạo liên tục. Tại sao lại cần tiêu chuẩn này. Bởi vì có một số thành phần tuy là nguồn gốc tự nhiên nhưng quá trình sản xuất ra nó lại tiêu tốn nhiều năng lượng, phụ gia, có tác động xấu đến môi trường. Vấn đề nguồn nguyên liệu cũng quan trọng không kém, một số nguyên liệu thực vật như cọ đã tạo nên nhu cầu khai thác quá mức, ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường đất và rừng cũng như cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống của động vật hoang dã.

- Phân huỷ sinh học tốt, độc tính thuỷ sinh thấp. Đặc điểm của các sản phẩm tẩy rửa là sẽ được rửa trôi theo dòng nước thải từ gia đình chúng ta và đi ra môi trường nên các sản phẩm của M’Lalin luôn đề cao mục tiêu thân thiện với môi trường, có khả năng phân huỷ sinh học tốt. Các surfactant thường được cho là mối nguy có các loại thuỷ sinh, do đó, lựa chọn một loại surfactant an toàn cho cả động vật thuỷ tinh cũng là một ưu tiên của chúng tôi.


Đây là một bộ khung tiêu chuẩn cơ bản được Chef đặt ra cho chất hoạt động bề mặt sử dụng trong sản phẩm của M’Lalin. Có những chất chỉ đáp ứng được 1 tiêu chí, có những chất đạt nhiều tiêu chí, và hiếm hoi có những chất đạt toàn bộ tiêu chí trên.

Rõ ràng, khi đáp ứng được các tiêu chí trên thì đó chính là một nguyên liệu cực “ngon, bổ” – và hiển nhiên, chắc chắn nó không rẻ. Đồ ngon, đồ tốt thì hãng mỹ phẩm nào lại chẳng thích, chẳng muốn đưa vào sản phẩm của mình. Nhưng chữ “không rẻ” đó đã và đang làm chùn bước rất nhiều người. Không phải các hãng không có đủ tiền để mua, mà là mua rồi đưa vào sản phẩm thì giá bán ra liệu người tiêu dùng có chấp nhận được không? Đặc biệt là người tiêu dùng Việt Nam – có thu nhập thuộc hàng thấp trên thế giới. Thực sự người tiêu dùng Việt Nam rất thiệt thòi, thu nhập thì thấp hơn thế giới, còn nguồn nguyên liệu chất lượng cao đa phần phải nhập khẩu từ nước ngoài – những nơi có nền sản xuất phát triển mạnh mẽ - với giá cả thậm chí còn cao hơn ở các nước phát triển (vì chi phí vận chuyển, thuế, lợi nhuận của nhà phân phối,…).


Đứng giữa loạt lựa chọn này thì có lẽ những ai đã theo dõi chúng tôi từ lâu đã biết cô Chef sẽ chọn cái gì – vì giá cả nguyên liệu chưa bao giờ là vấn đề của M’. Một phần vì độ “chịu chơi”, một phần vì cách thức hoạt động của M’team.work.


M’ chẳng tốn một đồng chi phí marketing (thường chiếm tỷ trọng khá cao trong các hãng mỹ phẩm), bộ máy nhân sự nhỏ, cũng chẳng tốn kém chi phí cửa hàng, showroom nên hoàn toàn có thể đưa những nguyên liệu đắt tiền vào những sản phẩm giá cả phải chăng, hợp lý – điều mà rất rất nhiều nhà sản xuất vì cân đối tài chính mà không thể làm được. Dựa trên các tiêu chí đó, trước giờ M’Lalin đã sử dụng khá nhiều surfactant khá ổn như Coco Glucoside, Decyl Glucoside, Sodium Cocoyl Glutamate, Sodium Lauroyl Sarcosinate, Sodium Cocoyl Isethionate, Sodium Methyl Cocoyl Taurate, Cocoamidpropyl Betaine, Sodium Cocoyl Apple Amino Acids, Sodium Cocoyl Oat Amino Acids, Quillaja Saponaria Extract,… Tất cả những surfactant trên đều có nguồn gốc tự nhiên, nhẹ dịu cho làn da; tuy nhiên, vẫn còn một số điểm vẫn khiến chúng tôi chưa hài lòng và quyết tâm tìm kiếm một phương án mới toàn diện hơn – cho cả chúng ta lẫn môi trường.


 

HỆ THỐNG LÀM SẠCH MỚI CỦA M’


Và kết quả sau những ngày giãn cách là M'lalin đã tìm ra một phương án mới, thực sự đáp ứng một cách vượt mong đợi những tiêu chí mà Chef đưa ra. Một thành phần thiên nhiên mạnh mẽ nhưng vẫn tương thích làn da xuất sắc cùng với thân thiện môi trường một cách chưa từng có. Được lên men từ đường, làm sạch hiệu quả, tương thích rất tốt với da và niêm mạc, cực kỳ dịu nhẹ, dùng tốt cho cả làn da em bé và niêm mạc miệng, tạo bọt tốt, phân huỷ sinh học 100%, độc tính thuỷ sinh cực thấp,… - đúng là những gì chúng tôi vẫn đang tìm kiếm.

Đối với khả năng làm sạch, nghiên cứu này đã vượt qua các bài test về loại bỏ make-up, eyeliner, mascara một cách xuất sắc dù được test với các công thức nhẹ nhàng như micellar water.


Về tác động đến môi trường thì nguồn nguyên liệu từ đường có thể truy xuất nguồn gốc, ưu tiên từ các dự án xã hội, đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững, mang lên men bằng công nghệ sinh học, tiêu tốn ít năng lượng, xong đưa vào sản phẩm, sản phẩm được sử dụng, trở ra môi trường được phân giải sinh học hoàn toàn 100% (cả hiếu khí và kỵ khí) và có độc tính thuỷ sinh cực thấp (vượt trội so với các surfactant khác, kể cả surfactant thiên nhiên).



Không chỉ tác động dịu nhẹ lên môi trường, trên da chúng ta nó còn ảnh hưởng thậm chí nhẹ nhàng hơn. Trong bài tets Red Blood Cell (RBC – một xét nghiệm tế bào hồng cầu in vitro chuyên dùng để ước tính khả năng gây kích ứng của các chất tẩy rửa) thì tỷ lệ ly giải/biến tính (L/D – càng cao thì càng dịu nhẹ) của em nó cao vượt trội so với các surfactant trên thị trường.


Bạn cứ tưởng tượng rằng SLES có L/D tầm 0.5, thiên nhiên như Cocamidopropyl Betaine có L/D tầm 10, cực nhẹ như Coco Glucoside tầm hơn 100 thì nguyên liệu mới lên đến 1000. Trong một bài test khác về độ phân giải protein (gọi là Zein test – sử dụng protein Zein có cấu trúc tương tự keratin ở trong da và tóc - % phân giải protein càng thấp thì càng dịu nhẹ), ở mức nồng độ 1% thì SLES đã có độ phân giải protein là 100%; nhẹ dịu như Cocamidopropyl Betaine thì từ 20%-40% ở mức nồng độ 3-5%; và kết quả là ứng dụng trong sản phẩm làm sạch M'lalin luôn đạt mức dưới 15%.


Không chỉ làm sạch, một điểm hay ho là sau một nghiên cứu 4 tuần, các tình nguyện viên được ghi nhận có lượng dầu bã nhờn dư thừa trên da giảm từ 13-25%. Đây là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cân bằng làn da, đặc biệt là các bạn gặp vấn đề với mụn.

Tất nhiên bài viết này chỉ dành để chia sẻ về surfactant mà thôi, còn các sản phẩm làm sạch của M’ không chỉ dừng lại ở đó, đồng hành cùng các chiến binh làm sạch này là một hệ thống hoạt chất cung cấp các chức năng dưỡng toàn diện và thậm chí là cao cấp. Một vài thành phần còn thường được sử dụng trong các kem dưỡng chất lượng cao (và nay được đưa vào những sản phẩm rinse-off của M’ ). Chúng tôi sẽ cập nhật trong các bài viết tiếp theo. Cám ơn mọi người đã dành thời gian đọc qua tài liệu khoa học được "rút gọn" bởi team M'lalin và có thêm cái nhìn đa chiều về surfactant.

5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page